top of page

NGƯỜI VIỆT NAM HOÀN HẢO

Updated: Sep 12, 2020

Mùa dịch cúm chủng vi rút corona mới đem đến sự hoảng loạn và sợ hãi của người dân toàn cầu. Khoan bàn đến mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh mới này, thì ở một góc độ khác, dịch bệnh mới phát tán từ Trung Quốc đã thổi bùng lên ngọn lửa phân biệt chủng tộc âm ỉ bấy lâu ở khắp mọi ngõ ngách trong cuộc sống.


(Ảnh sưu tầm)


Nói đến phân biệt chủng tộc, thiết nghĩ trong mỗi cộng đồng đều có. Như chính ở Việt Nam, cũng có một sự phân biệt không hề nhẹ khi nhắc đến Campuchia hay Lào. Mặc dù học cũng không làm gì mình nhưng khi có gì không thoải mái, đều buộc miệng thốt lên "cái thằng Lào" hay "cái tụi Campuchia" để giải toả sự khó chịu và thoả lòng chì chiết người khác của mình. Và trong chính dải đất hình chữ S này, cũng tồn tại thứ phân biệt chủng tộc với chính đồng bào mình. Những câu như tụi Bắc Kỳ, Nam Kỳ... là những câu nói vẫn thường hay xen lẫn trong những câu chuyện kể, từ trẻ đến già đều có ít nhất một lần nghe thấy trong đời.

Thời thực dân Pháp thôn tính Việt Nam, theo "chính sách chia để trị", Việt Nam bị chia thành 3 miền gọi là Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Vì để phân biệt nên trở thành tên gọi riêng, rồi dần trở thành một loại từ miệt thị người từ miền khác của Tổ quốc. Thời đó, người ta muốn chia rẻ dân tộc mình, tạo làn sóng chia rẻ trong nước, để dân ta ghét nhau, chì chiết nhau cho dễ trị. Cái bản tính yêu hận cảm tính của con người vốn dĩ đã mạnh mẽ. Ông bà ta cũng thường có câu "thương nhau củ ấu cũng tròn, quả bồ hòn cũng méo" chính là để nói lên tâm tính của con người. Với một chính sách chia rẽ, thì chính sách mị dân vẫn hơn luật lệ và các đối sách thông dụng thường có. Chỉ có đi vào tâm tính, thì dần sẽ trở thành nếp nghĩ, tự dân mình ghét bỏ, tự mình kỳ thị, bọn cai trị không cần làm gì. Chúng ta tự ghét nhau, tự kiếm cớ gây sự, gây hại nhau rồi triệt tiêu nhau. Quản trị ngồi làm ngư ông đắc lợi, xem chúng ta đánh nhau trầy trật, sứt đầu mẻ trán.

Những chuyện xưa cũ nay đã không còn nhưng vẫn còn in hằng trong nếp nghĩ của rất nhiều người. Khi gặp một người bạn từ một vùng quê xa xôi nào đó, đều có câu cửa miệng dân xứ này dân xứ nọ. Người Nam thì chê dân Bắc keo kiệt ky bo, người Bắc thì chê dân Nam hoang phí, phá của. Dân thành phố thì chê dân nông thôn tị nạn, quê mùa.... Vì sao phải như vậy ?

Thế giới đã thay đổi, không còn như xưa. Hồi đó người ta làm vậy để mình dễ sai khiến, có ý làm rạn nứt đoàn kết dân tộc để được ngư ông đắc lợi. Ngày nay, đất nước đã thống nhất một cõi, thì vì sao chúng ta vẫn còn chưa bỏ được cái nếp nghĩ xưa cũ ấy. Người Việt hãy tự thương lấy người Việt. Thế giới phẳng, mọi sự giao lưu giữa các quốc gia đã trở nên không biên giới. Nhưng suy cho cùng, họ cũng chỉ là những người thuộc dòng dõi khác. Họ đến làm việc của họ rồi thì họ cũng sẽ rời đi. Chỉ có người Việt ta, dân tộc ta là cùng thuộc dòng dõi con rồng cháu tiên. Cần phải giúp đỡ, học hỏi và tương trợ lẫn nhau để tạo nên một cường quốc giàu đẹp, văn mình đầy lòng nhân ái. Cái khó cùng nhau vượt qua, cái xấu cùng nhau sửa đổi, cái hay cái tốt chia nhau cùng san sẻ để tiến bộ hơn, mạnh mẽ hơn.

Một người Việt Nam hoàn hảo sẽ hình thành từ tính cách của 3 miền đất nước. Giỏi làm ăn, chi tiêu khéo léo như người miền Bắc, ấm áp rộng lượng dễ thương như người miền Trung, hào sảng, đầy sức sống, không ngại thay đổi như người miền Nam. Ai ai cũng hướng đến chân thiện mỹ, thì ngày Việt Nam hoá rồng sẽ không còn xa xôi nữa.

Comments


bottom of page